Gần đây trong cộng đồng tuyển dụng IT bắt đầu bàn tán về vấn đề một số nhà tuyển dụng yêu cầu xem lương cũ (dạng giấy xác nhận thu nhập – payslip) hoặc hình chụp tin nhắn lương để họ làm offer cho ứng viên.

Bản thân mình khi bị hỏi trước đây cũng rất bất ngờ và có chút ‘há hốc mồm’ khi được hỏi như vậy. Là ứng viên, mình hoàn toàn không thích bị hỏi về lương cũ hay thậm chí là yêu cầu chụp tin nhắn lương. Ngay lập tức, mình đặt dấu chấm hỏi về sự chuyên nghiệp và năng lực phỏng vấn của công ty đó.

nhà tuyển dụng yêu cầu xem lương cũ
Phản ứng của tôi khi lần đầu được hỏi bảng lương cũ

Khi mình hỏi vì sao nhà tuyển dụng yêu cầu xem lương cũ?

Đây là một vài lí do mình biết được:

  • Một vài HR, nhà tuyển dụng mình gặp tiết lộ thường họ chỉ muốn offer mức lương tăng một chút hoặc maximum 20% so với mức lương hiện tại.
  • Dân CNTT bây giờ ra ngoài thị trường đi phỏng vấn thường hét giá quá cao, nhà tuyển dụng sợ offer hớ nên họ phải hỏi bảng lương cũ hoặc hình chụp tin nhắn lương.
  • Nghi ngờ ứng viên thổi phồng mức lương.
  • Khảo sát lương thị trường (!!?)

“Okay”, dù mình có nghe hết lí do đó rồi thì mình vẫn không thấy thoải mái tiết lộ thông tin lương của mình ra bên ngoài.

Vậy chúng ta nên xử lý như thế nào khi nhà tuyển dụng yêu cầu xem lương cũ (ngay trong buổi phỏng vấn)

Kiểu 1: Ứng viên thoải mái

Nhà tuyển dụng cần thì mình cho xem thôi, dù gì lương cũng phải cao hơn hiện tại mình mới nhận mà.

Kiểu 2: Ứng viên bất cần, đi làm vì đam mê

Em không thích nhà tuyển dụng yêu cầu xem lương cũ, chúng ta không phù hợp

Kiểu 3: Chuẩn phong cách Business Analyst

Phân tích cho Nhà tuyển dụng biết cảm giác của ứng viên sẽ như thế nào khi nghe câu hỏi này và gợi ý giải pháp phòng tránh cảm xúc tiêu cực của ứng viên, ví dụ:

“Thay vì tới lúc deal lương anh chị mới hỏi bảng lương của em và khiến em (hay các ứng viên khác) không thoải mái, chi bằng anh chị thông báo luôn việc này trong Job Description hay tin tuyển dụng để em biết mà công ty anh chị ra luôn đi.”

=)) đoạn “né” là mình đùa thôi nhé, nhưng đoạn giải pháp thì mình thực sự nghĩ bên HR có thể xem xét phương án này để ứng viên bớt bỡ ngỡ và đỡ tốn thời gian.

Kiểu 4: Chuẩn phong cách Ứng Viên điềm tĩnh

Dù có phẫn nộ hay ngạc nhiên, tất nhiên bạn không thể nói “Em không thích như vậy”, bạn hãy giữ bình tĩnh và trao đổi quan điểm của mình về việc mình không thấy thoải mái và không muốn tiết lộ thông tin lương cũ, kèm những lí do tại sao, và bạn sẽ phản ứng như thế nào nếu công ty khăng khăng đòi xem bảng lương.

“Tôi thực sự không thấy thoải mái lắm khi được yêu cầu xem thông tin lương cũ. Thứ nhất, đó là thông tin cá nhân. Thứ hai, để đánh giá năng lực của tôi có phù hợp mới mức lương tôi mong muốn hay không, công ty hoàn toàn có thể yêu cầu ứng viên làm bài đánh giá năng lực đầu vào và có thể trao đổi trực tiếp trong buổi phỏng vấn…”; hay

“Tôi biết năng lực mình ở đâu và tôi có thể giải quyết bài toán XYZ cho công ty, mức lương cũ của tôi không thực sự cần thiết cho việc anh chị xem xét offer, nếu công ty khăng khăng muốn xem thông tin lương cũ tôi sẽ không tiết lộ và từ chối hợp tác.” 

Nếu bạn rất thích môi trường và cơ hội tại công ty đó nhưng không thể tiết lộ lương gần nhất thì sao?

  • ‘Không gửi bảng lương’ chưa phải dấu chấm hết. Bạn hãy chứng minh bản thân trong buổi phỏng vấn và khiến nhà tuyển dụng thích bạn. Vì một khi nhà tuyển dụng thích và cho rằng bạn là ứng viên sáng giá, họ sẽ bảo vệ bạn và thuyết phục sếp trên bỏ qua yếu tố bạn không chia sẻ thông tin lương.
  • Bạn hãy hỏi riêng nhân viên tuyển dụng, có trường hợp ứng viên nào như bạn hay không và còn cách nào khác ngoài việc gửi bảng lương không, họ sẽ gợi ý cho bạn.
  • Bạn có thể gửi hình chụp tin nhắn lương và che các thông tin cá nhân.
  • Nếu lương ở công ty gần nhất bạn làm bị thấp hơn mức công ty trước đó (vì nhiều lí do không tiện tiết lộ), bạn hãy thử đề xuất gửi mức cao hơn tại thời điểm trước công ty cũ, họ có thể xem xét.

Bonus: Làm thế nào để cảm thấy thoải mái hơn khi trao đổi về lương với nhà tuyển dụng?

  • Biết giá trị của bản thân mình và biết mức lương của thị trường với năng lực và kinh nghiệm của mình có khoảng lương nào.
  • Thẳng thắn trao đổi và đặt câu hỏi nếu bạn có khúc mắc. Buổi phỏng vấn là để hai bên tìm hiểu nhau, bạn không phải đi xin việc một chiều, bạn đang ứng tuyển và công ty thì cần người có năng lực giúp giải quyết vấn đề cho họ.
  • Đi phỏng vấn nhiều lấy kinh nghiệm, khi gặp những câu hỏi này sẽ đỡ bỡ ngỡ hơn.
  • Khi được hỏi mức lương mong muốn, hãy luôn đưa ra khoảng lương trong đó mức bạn thật sự mong muốn là mức min – thấp nhất. Không thoả hiệp nếu công ty đưa ra mức thấp hơn bạn kỳ vọng (vì sau này đi làm bạn sẽ buồn hay phải suy nghĩ đó, lương là một chuyện, đôi khi chính sách phúc lợi mỗi công ty cũng sẽ khác).

Đấy làm BA đi phỏng vấn thôi cũng căng lắm chớ đùa hihi. Chúc các bạn luôn tìm được một công ty như ý với mức lương như ý nhé.

Mời các bạn hãy theo dõi các kênh chia sẻ về nghề BA, PO của Khang & Mia

Cám ơn các bạn!

– Mia